Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học sử dụng kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông để xét tuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí và đảm bảo công bằng cho thí sinh. Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý việc tuyển sinh của các trường đại học.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại Hội thảo Công tác chuẩn bị đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 11/3.
Đề thi sẽ tăng tính phân hóa
Tại Hội thảo, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học bày tỏ lo lắng về việc Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông hiện đang giảm dần độ phân hóa, gây khó khăn cho công tác xét tuyển dựa trên điểm số của kỳ thi này. Trong khi đó, việc nhiều trường đại học xét tuyển theo các kỳ thi riêng hay các phương thức xét tuyển khác cũng đang nảy sinh nhiều bất cập.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 vẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung. Kỳ thi hướng đến ba mục đích: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh và làm một trong các cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Bày tỏ sự đồng tình với định hướng trên, Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho biết đơn vị này đã dự kiến thành lập Trung tâm khảo thí hoặc một ban chuyên môn về tuyển sinh nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không tiếp tục tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông mà giao cho các địa phương. Tuy nhiên, khi Bộ vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi, Đại học Đà Nẵng vẫn sẽ dựa vào kết quả kỳ thi này để tuyển sinh là chủ yếu.
Ông Vũ cho rằng điều này giúp học sinh không phải tham gia quá nhiều kỳ thi, giảm áp lực cho thí sinh và giảm tốn kém cho xã hội. Các cơ sở giáo dục đại học cũng có thể tập trung nguồn lực cho việc đào tạo.
“Chúng tôi cũng yên tâm khi mỗi thí sinh chỉ được thi 4 môn nhưng do có rất nhiều môn nên vẫn có đến 36 tổ hợp để xét tuyển. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức kỳ thi với tính phân hóa tốt hơn,” ông Vũ nói.
Đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ có tính phân hóa cao hơn. (Ảnh: TTXVN)
Cùng quan điểm, Giáo sư Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ mong muốn đề thi có hệ thống câu hỏi với độ phân hóa tốt hơn. Ông Tuấn đánh giá đề minh họa tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn mang tính ghi nhớ nhiều, ít nội dung hiểu và vận dụng.
Đề cập cụ thể hơn, đại diện Trường Đại học Y dược, Đại học Huế cho rằng đề thi nên phân hóa nhóm từ 5 đến 7,5 điểm và từ 7,5 đến 10 điểm để giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh.
Siết quản lý tuyển sinh
Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cũng bày tỏ băn khoăn trước thực trạng tuyển sinh hiện nay có một số bất cập. Chẳng hạn như việc một số trường lấy điểm đầu vào chỉ dựa vào một môn, dựa trên chứng chỉ quốc tế, hoặc tuyển sinh theo học bạ, thậm chí học sinh mới bước vào năm học lớp 12 đã có báo trúng tuyển…
“Vì vậy, với vai trò của mình, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quản lý vấn đề này. Bộ giao cho các trường tự chủ tuyển sinh nhưng phải ở mức độ phù hợp,” ông Vũ kiến nghị.
Trước ý kiến của các trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng theo Luật Giáo dục Đại học, các trường được tự chủ về phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước về vấn đề này.
“Bộ hoàn toàn có tư cách pháp nhân để thực hiện. Chúng ta phải hướng tới vì học sinh, vì chất lượng thực,” ông nói.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh thông điệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo là khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học sử dụng điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông để tuyển sinh. Điều này nhằm giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh đại học. Theo Thứ trưởng, những học sinh ở vùng sâu, vùng xa sẽ thiệt thòi hơn khi không có điều kiện tiếp cận các kỳ thi riêng của các trường.
“Chúng tôi mong muốn các trường sử dụng kết quả thi Tốt nghiệp để xét tuyển. Kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung tổ chức thực hiện nên đảm bảo độ tin cậy về kết quả, học thật, thi thật, chất lượng thật. Tới đây, đề thi sẽ có độ phân hoá cao hơn,” Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết.