Mức học phí hấp dẫn nhất ngành bán dẫn trong khối các trường đại học, đại học công lập là Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn, trực thuộc Đại học Đà Nẵng.
Ngành công nghệ kỹ thuật máy tính - chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn của trường này đào tạo kỹ sư với mức học phí chỉ 16,4 triệu đồng/năm, áp dụng cho năm học 2024-2025. Từ năm học 2025-2026, học phí tăng theo lộ trình do nhà nước quy định.
Cao hơn Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn khoảng 6 triệu đồng/năm là Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Trường này đào tạo cử nhân chương trình Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano với mức học phí 22 triệu đồng/năm. Thời gian đào tạo là 4 năm.
Chương trình đào tạo hướng đến trang bị kiến thức cơ sở chuyên môn rộng và vững chắc để đáp ứng cho công nghiệp bán dẫn như sản xuất các thiết bị vi điện tử, vi mạch tích hợp, các hệ nhúng và lập trình nhúng, công nghệ màng mỏng, công nghệ bán dẫn, đóng gói và kiểm chuẩn linh kiện điện tử…
Chênh lệch không đáng kể về học phí so với Đại học Bách Khoa Hà Nội là Trường Đại học Cần Thơ. Trường tuyển sinh hệ đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật máy tính - chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn với học phí 22,7 triệu đồng/năm. Thời gian đào tạo là 4,5 năm.
Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng cũng có mức học phí hấp dẫn, 28,7 triệu đồng/năm. Chương trình đào tạo Kỹ thuật điện tử - viễn thông, chuyên ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch của trường này tuyển sinh 60 chỉ tiêu cho năm 2024.
Mức học phí dưới 30 triệu đồng/năm còn có Trường Đại học Bách Khoa TPHCM. Hệ tiêu chuẩn ngành thiết kế vi mạch của trường thu học phí 29 triệu đồng/năm, áp dụng với năm học 2024-2025.
3 năm học tiếp theo, trường sẽ thu mức học phí trung bình năm lần lượt là 30 triệu đồng, 31,5 triệu đồng và 33 triệu đồng.
Với chương trình tiên tiến, mức học phí áp dụng chung là 40 triệu đồng/học kỳ, tức 80 triệu đồng/năm.
Trong khối trường công lập, có hai trường thu học phí cao hơn 30 triệu đồng/năm là Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Mức học phí của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là 53 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thu 655.000 đồng/tín chỉ. Khóa đào tạo của trường này kéo dài 9 học kỳ với tổng cộng 150 tín chỉ, trung bình học phí là 16,6 triệu đồng/học kỳ và hơn 33 triệu đồng/năm học.
Ở khối các trường tư thục, Trường Đại học Đại Nam thu học phí ngành Công nghệ bán dẫn rẻ ngang trường công với 12,9 triệu đồng/học kỳ, tương đương 25,8 triệu đồng/năm.
Chương trình đào tạo ngành bán dẫn của trường này là chương trình song bằng theo hai hình thức 2+2 hoặc 3+1+1, cho phép sinh viên học tại Việt Nam trong 2-3 năm đầu, từ năm thứ 2, thứ 3 sẽ chuyển sang học tại Đài Loan.
Hoàn thành chương trình học tập, sinh viên nhận bằng Kỹ sư Công nghệ bán dẫn của cả Việt Nam và Đài Loan. Mức học phí 12,9 triệu đồng/học kỳ được áp dụng chung khi học tập tại cả hai nước.
Đại học Phenikaa cũng mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn nằm trong ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông với mức học phí 30,8 triệu đồng/năm. Trường tuyển sinh 50 chỉ tiêu cho năm 2024.
Tại Trường Đại học CMC, học phí chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn là 18,2 triệu đồng/học kỳ, tương đương 36,4 triệu đồng/năm, áp dụng với hệ tiêu chuẩn.
Học phí hệ song ngữ của ngành đào tạo này là 26 triệu đồng/học kỳ, 52 triệu đồng/năm.
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn