Từ năm 2025, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 môn thi. So với hiện nay, kỳ thi sẽ giảm bớt 2 môn thi, đồng thời, thí sinh có thêm nhiều lựa chọn từ 2 trong số 9 môn học của chương trình lớp 12.
Với các thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học sẽ phải cân nhắc lại về việc lựa chọn các tổ hợp bởi sự sụt giảm của các tổ hợp xét tuyển và sự xuất hiện của một số môn học mới như Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Trước sự thay đổi về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt những trường chủ yếu xét tuyển thông qua điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho biết sẽ tính đến phương án điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển. Trong khi đó, nhiều trường khác lại khẳng định việc thay đổi phương án thi tốt nghiệp không ảnh hưởng nhiều đến xét tuyển.
Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thay đổi phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc xét tuyển đại học của các trường.
“Tuy nhiên để đánh giá cụ thể các tác động, nhà trường cần có nghiên cứu và đánh giá thêm. Hiện nay, chúng tôi đang thành lập tổ chuyên môn để phân tích, đánh giá các yếu tố tác động nhằm có căn cứ để đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp từ năm 2025”, đại diện Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, nhà trường sẽ đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như các tổ hợp thí sinh lựa chọn, các tổ hợp tuyển sinh truyền thống của trường với kết quả học tập của sinh viên,...
Được biết, hiện Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu tuyển sinh qua 2 phương thức chính:
Phương án xét tuyển bằng kết quả thi trung học phổ thông với 4 tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Anh, Ngữ văn), D07 (Toán, Hóa, Anh) với khoảng 30% - 50% tổng chỉ tiêu.
Phương án xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 40% – 60% tổng chỉ tiêu).
Thạc sĩ Cù Xuân Tiến cho biết, dự kiến năm 2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2023. Với các thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Thạc sĩ Cù Xuân Tiến chia sẻ, thí sinh không cần quá lo lắng:
“Các em học sinh nên tập trung học tốt các môn học đã lựa chọn ở chương trình phổ thông. Đối với phương án xét tuyển đại học, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có tính toán và sớm công bố phương án tuyển sinh phù hợp để thí sinh lựa chọn”, đại diện Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ.
Cũng theo Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, thí sinh nên tìm hiểu thêm về các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy,... để chủ động trong việc xét tuyển vào đại học.
“Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được thiết kế giúp đánh giá toàn diện năng lực của học sinh ở bậc trung học phổ thông. Trong khi đó, hiện nay số lượng các trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh ngày các nhiều. Do đó, để chủ động trong việc xét tuyển vào đại học, thí sinh có thể tìm hiểu sớm về các kỳ thi đánh giá năng lực”, vị này đề xuất.
Cũng khuyến khích thí sinh tham khảo đa dạng các phương án xét tuyển vào đại học, Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) nhận định:
“Trong 3 năm gần đây, các phương án xét tuyển vào đại học ngày càng đa dạng (khoảng 20 phương thức xét tuyển). Do vậy, sự thay đổi về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ không có nhiều ảnh hưởng lớn đến việc xét tuyển đại học của các trường”.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Ảnh: website nhà trường
Theo Tiến sĩ Võ Thanh Hải, hiện nay kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ là một trong nhiều phương thức đang được các trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học. Bên cạnh đó, để đánh giá tác động của sự thay đổi phương án thi tốt nghiệp đến việc xét tuyển đại học của các trường cũng cần phải có thêm thời gian để đưa ra nhận định.
Ngoài ra, việc xét tuyển đại học của các trường còn phải tuân theo Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Do đó, để đánh giá tác động của sự thay đổi này còn phải xem xét quy chế tuyển sinh đại học vào năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phân tích về kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, theo Tiến sĩ Võ Thanh Hải, việc giảm từ 6 môn thi xuống còn 4 môn giúp thí sinh tập trung cao độ hơn trong việc ôn luyện. Đánh giá tác động về việc giảm tổ hợp xét tuyển vào đại học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân khẳng định điều này không có ảnh hưởng quá lớn đến việc xét tuyển vào đại học.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng cho rằng, với sự xuất hiện của những môn học mới như Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật,... trường đại học sẽ phải tính toán lại các tổ hợp xét tuyển để đảm bảo tuyển sinh đúng, trúng đối tượng và bắt kịp xu hướng phát triển nghề nghiệp.
Đối với phương án tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường Đại học Duy Tân, vị Phó Hiệu trưởng cho biết, nhà trường giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2023 nhằm giúp thí sinh yên tâm.
“Đối với phương án tuyển sinh đại học từ năm 2025, Hội đồng tuyển sinh của nhà trường sẽ có họp bàn và đánh giá cụ thể các yếu tố tác động. Khi có điều chỉnh, chúng tôi sẽ sớm thông báo đến các thí sinh để các em có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng nhất”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân khẳng định.