THÍ SINH CHUỘNG THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC, TƯ DUY

Thứ ba - 04/03/2025 03:28
Thu Nga chi 1,3 triệu đồng đăng ký và đầu tư thời gian ôn tập hai kỳ thi đánh giá năng lực, để thêm cơ hội vào ngành Sư phạm Ngữ văn hoặc Luật, khi điểm chuẩn thi tốt nghiệp mấy năm qua đều cao.
THÍ SINH CHUỘNG THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC, TƯ DUY

Nga, quê ở Phú Thọ, cho hay với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA), em học thêm một khóa online từ học kỳ II nhằm củng cố kiến thức, làm quen với dạng đề. Với kỳ thi của Đại học Sư phạm Hà Nội (SPT), nữ sinh ôn kết hợp với các môn thi tốt nghiệp do dạng thức câu hỏi khá tương đồng.

Nga dự định dùng những điểm này đăng ký vào ngành Sư phạm Ngữ văn của trường Đại học Giáo dục, Sư phạm, hoặc ngành Luật ở một số trường, bên cạnh điểm thi tốt nghiệp.

Đã thi đánh giá tư duy đợt một của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA), Đức Anh, trú tại Hà Nội, sẽ đăng ký thi thêm đợt ba để cải thiện điểm. Nam sinh cũng vừa đăng ký thành công ca thi HSA ngày 29/3, hiện đầu tư mỗi tuần 4 buổi ôn luyện các kỳ thi này.

Ngoài Nga hay Đức Anh, hàng trăm nghìn thí sinh thi đánh giá năng lực, tư duy do các trường đại học tổ chức năm nay, có xu hướng tăng so với trước.

Screenshot (133)

Giai đoạn 2022-2024, Đại học Quốc gia TP HCM, Hà Nội cùng Bách khoa và Sư phạm Hà Nội đều ghi nhận số lượt thí sinh đăng ký dự thi tăng dần đều. Năm 2025, các trường dự báo con số tiếp tục tăng.

Như kỳ thi của Đại học Quốc gia TP HCM, dù mới mở đăng ký một trong hai đợt, số thí sinh xác nhận dự thi đã lên tới khoảng 130.000, kỷ lục so với cùng kỳ mọi năm và chỉ cách tổng số lượt đăng ký của hai đợt năm ngoái khoảng 6.000.

Với kỳ thi HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023, hệ thống ghi nhận có gần 50.000 thí sinh đăng nhập tài khoản để đăng ký dự thi cùng lúc, gây nghẽn mạng, thì đến năm 2025, con số này lên tới 120.000. Khoảng 90.000 chỗ thi của 6 đợt được lấp đầy sau khoảng ba tiếng mở cổng đăng ký.

Nhiều trường THPT cũng ghi nhận xu hướng này. Như tại trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội, khoảng 60-65% học sinh lớp 12 dự các kỳ thi riêng trong hai năm qua. Năm ngoái, có thí sinh không đăng ký thi HSA được tại Hà Nội do hết chỗ, vẫn chấp nhận vào Nghệ An để dự thi.

Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng cho biết năm học này, tỷ lệ học sinh đăng ký các kỳ thi riêng tiếp tục tăng cao. Nhiều phụ huynh đề nghị cho học sinh khối 11 tiếp cận, thi thử từ sớm.

"Trong các năm gần đây, nhiều trường dùng kết quả của các kỳ thi này làm một trong các tiêu chí xét tuyển hay cấp học bổng. Vì vậy, học sinh tham gia ngày càng nhiều", ông Tùng nói.

Về phía đơn vị tổ chức, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Chủ tịch Hội đồng thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng có một số lý do khiến thí sinh ngày càng chuộng thi đánh giá năng lực, tư duy.

Đầu tiên, một số kỳ thi đảm bảo uy tín, chất lượng, khách quan, minh bạch từ khâu đăng ký đến trả kết quả. Kỳ thi HSA được thiết kế chuẩn hóa nên thí sinh tham gia bất kỳ đợt nào, ở đâu cũng được công nhận kết quả như nhau.

Thứ hai, bài thi này đánh giá các nhóm năng lực, kiến thức, kỹ năng học sinh tích luỹ trong quá trình học tập THPT. Do đó, thí sinh không thể học tủ, học gạo, cũng không cần thiết phải đi học thêm.

Thứ ba, về phía thí sinh, khi tham gia các kỳ thi riêng, các em có thêm cơ hội để đăng ký xét tuyển đại học, vì nhiều trường dùng kết quả để tuyển đầu vào. Ví dụ, khoảng 90 trường xét điểm thi HSA, 50 trường dùng điểm TSA của Bách khoa, 100 trường xét điểm kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia TP HCM.

Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng đây là những lý do khiến kỳ thi TSA của trường được nhiều thí sinh quan tâm hơn.

Thí sinh thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, tháng 4/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Thí sinh thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, tháng 4/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
 

Hiện có khoảng 20 trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng năm khoảng 2-3% thí sinh nhập học bằng điểm này.

Tuy nhiên, tuỳ từng trường, con số có thể cao hơn rất nhiều. Ví dụ, Đại học Bách khoa Hà Nội lấy 40% trong số gần 9.700 chỉ tiêu năm nay bằng kết quả thi TSA.

Thu Nga cũng nhìn thấy cơ hội rộng mở hơn khi có các kỳ thi riêng, nên sẵn sàng chi hơn 1,3 triệu đồng lệ phí cho hai kỳ thi. Nữ sinh lấy ví dụ ở Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Sư phạm Ngữ văn năm nay tuyển 40% chỉ tiêu bằng điểm thi SPT.

"Việc tuyển nhiều bằng kết quả thi đánh giá năng lực sẽ khiến điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp tăng lên. Em không thể chỉ trông chờ vào một kỳ thi. Nó quá may rủi", Nga phân tích. Năm ngoái, ngành Sư phạm Ngữ văn lấy 29,3/30 điểm cho tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp.

Trước xu hướng trên, ông Nguyễn Quang Tùng nhìn nhận trường THPT cần hỗ trợ học sinh nhiều hơn. Năm qua, trường ông mời cán bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội và Bách khoa Hà Nội đến giới thiệu về kỳ thi cho học sinh. Nhà trường thường xuyên thông tin lịch đăng ký và lịch thi, mở cửa phòng Tin học, kết nối Internet mạnh, để học sinh thuận lợi đăng ký.

Khi xếp tổ hợp môn ở khối 10, trường căn cứ một phần vào tổ hợp của kỳ thi đánh giá năng lực, giúp học sinh làm quen, để khi lên lớp 12 có thể tham gia được kỳ thi này.

Ông Nguyễn Tiến Thảo khuyên thí sinh chỉ nên dự 1-2 kỳ thi riêng, gồm một kỳ thi được nhiều trường sử dụng và một kỳ thi của trường mình dự định đăng ký xét tuyển.

"Thí sinh nên tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp vì đó là bài thi bắt buộc. Tất cả trường đều có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đó. Hơn nữa, nếu trượt tốt nghiệp, các bài thi khác trở thành vô nghĩa", ông Thảo nói.

FORM ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây