Các trường kinh tế mở mới các mã ngành liên quan đến công nghệ
Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) năm nay bắt đầu đào tạo những chuyên ngành mới là: Công nghệ nghệ thuật (ArtTech), Điều khiển thông minh và tự động hóa.
Trước đó, UEH liên tiếp mở các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật như: Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Robot và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Công nghệ logistics. Hiện tại, UEH có 56 chương trình đào tạo đại học thuộc 11 lĩnh vực, trải dài từ kinh doanh, kinh tế, quản lý, nhân văn đến công nghệ, thiết kế ứng dụng.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Ảnh: Nguyễn Vy).
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng có ngành Fintech (công nghệ tài chính) với khối kiến thức liên quan đến máy học và trí tuệ nhân tạo trong tài chính, công nghệ blockchain, các gói phần mềm ứng dụng trong tài chính…
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) năm nay cũng dự kiến mở ngành Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin và Quan hệ lao động.
Trường Đại học Ngoại thương cũng vừa công bố dự kiến mở ngành Khoa học máy tính - chương trình đào tạo Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh, tuyển sinh bắt đầu từ năm nay.
Trường Đại học Ngân hàng TPHCM dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó có ngành Khoa học dữ liệu. Còn Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, vốn có thế mạnh lĩnh vực kinh doanh, xã hội cũng “lấn sân” sang lĩnh vực công nghệ với việc dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật phần mềm.
Nhiều đại học đồng loạt mở mã ngành mới
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố mở đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý (mã số 7140249) và Khoa học tự nhiên (mã số 7140247) trình độ đại học.
Đây là lần đầu tiên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở ngành đào tạo giáo viên môn tích hợp, sau 5 năm ngành giáo dục công bố chương trình giáo dục phổ thông mới với sự ra đời của các môn học mới – môn tích hợp: Khoa học Tự nhiên; Lịch sử và Địa lý và sau 3 năm chương trình mới này chính thức được triển khai ở các trường trung học cơ sở trên khắp cả nước.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM lần đầu tuyển sinh ngành Tâm lý học giáo dục, trong tổng số 45 ngành đào tạo.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội mở thêm 2 ngành đào tạo mới là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc.
Năm 2024, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.650 chỉ tiêu, 65% trong số này từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường mở thêm hai ngành đào tạo mới là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc; riêng ngành Ngôn ngữ Trung Quốc sẽ học 2 năm ở Việt Nam và 2 năm ở Trung Quốc.
Đại học Bách khoa Hà Nội mở ngành mới Quản lý giáo dục
Năm 2024, phương thức tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội có tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 9.260 sinh viên với 3 phương thức tuyển sinh: Phương thức xét tuyển tài năng (XTTN): ~20%; Phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy (ĐGTD): ~30%; Phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (THPT): ~50%.
Năm 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh 64 chương trình đào tạo, trong đó: số lượng chương trình đại trà (chương trình chuẩn): 36 chương trình; số lượng chương trình chất lượng cao: 23 chương trình; số lượng chương trình PFIEV: 2 chương trình; số lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế: 3 chương trình.
Đáng chú ý, kỳ tuyển sinh năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy. Địa điểm tổ chức thi: 10 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Đà Nẵng.
Các khối ngành có thể sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2024 là khối ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ; các khối ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng; các khối ngành y, dược.