Từ tháng 11/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bàn giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trong đó có 201 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp sẽ do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý trực tiếp. [1]
Kể từ đó, tuyển sinh bậc cao đẳng không được tích hợp hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên việc tiếp cận người học trở nên khó khăn và tiêu tốn nhiều nguồn lực của các trường cao đẳng. Đồng thời, trong bối cảnh một số trường đại học top dưới lấy điểm chuẩn ngày càng thấp như hiện nay, nhiều trường cao đẳng đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong công tác tuyển sinh.
Tuyển sinh cao đẳng tụt dốc vì “mác” đại học
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đoàn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội cho biết:
“Hiện nay, một số trường đại học không tuyển đủ chỉ tiêu dẫn đến việc hạ thấp điểm đầu vào để bù đắp tài chính và hoàn thành các mục tiêu khác của trường. Cùng với đó, tâm lý của nhiều gia đình vẫn nặng nề về bằng cấp khiến không ít thí sinh có điểm thấp, lực học yếu vẫn chọn học đại học. Đó là những vấn đề đang gây khó khăn đối với công tác tuyển sinh của trường cao đẳng”, cô Hương chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội (trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, việc các trường đại học tốp dưới lấy mức điểm sàn, điểm chuẩn quá thấp, chỉ dao động từ 15-18 điểm là một vấn đề rất nan giải.
“Bởi mức điểm đó chỉ ngang bằng điểm đầu vào của nhiều trường cao đẳng nhưng lại được thí sinh ưu tiên hơn vì “mác đại học” khiến các thí sinh chần chừ, e ngại khi đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng.
So với mọi năm, số lượng hồ sơ xét tuyển vào Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội năm 2024 có giảm sút đáng kể”, thầy Trường chia sẻ.
Năm 2024, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 2000 chỉ tiêu với 15 nghề đào tạo, không có sự thay đổi chỉ tiêu so với năm 2023.
Cũng theo thầy Trường, nghề Công nghệ ô tô và Cơ điện tử là hai nghề “mũi nhọn” được nhà trường đẩy mạnh và có đông thí sinh đăng ký xét tuyển nhất. Hiện tại, Công nghệ ô tô là nghề có số ứng viên vượt xa so với chỉ tiêu tuyển sinh ban đầu nên nhà trường dự kiến sẽ tăng mức điểm chuẩn xét tuyển lên so với mức điểm chuẩn của năm học 2023-2024. Ngoài ra, các nghề đào tạo còn lại của nhà trường khá “vất vả” trong công tác tuyển sinh.
Không chỉ có sự cạnh tranh với trường đại học mà chính những trường cao đẳng cũng đang cạnh tranh với nhau. Nhiều trường tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông nên môi trường tuyển sinh cao đẳng ngày càng khốc liệt.
Một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng khác mà Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội đang gặp phải chính là vấn đề “trùng tên”. Thầy Đỗ Văn Trường cho biết, hiện nay có rất nhiều trường cao đẳng lấy hai chữ “bách khoa” gắn vào tên. Điều đó khiến các phụ huynh, học sinh nhầm lẫn không phân biệt được đâu mới là trường cao đẳng thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội.
“Sau khi phụ huynh và thí sinh nộp hồ sơ kèm mọi chi phí học liên quan mới “tá hỏa” ra là nhầm trường, tới khi rút hồ sơ lại gặp rất nhiều vấn đề phiền toái. Vì khi có sự nhầm lẫn như vậy nên mức độ uy tín của nhà trường cũng bị ảnh hưởng.
Đối mặt với vấn đề đó, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội chưa thực sự có giải pháp nào khác ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực chia sẻ hình ảnh về nhà trường để thí sinh và phụ huynh dễ dàng tiếp cận, tránh xảy ra những sự cố không mong muốn”, thầy Đỗ Văn Trường bày tỏ.
Đề xuất nên kết hợp một kênh tuyển sinh chung
Một vấn đề khó khăn lớn mà tất cả các trường cao đẳng hiện nay đều gặp phải trong công tác tuyển sinh là việc không nằm trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một số trường, hiện các trường cao đẳng (trừ cao đẳng sư phạm) đều thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng nhiều phụ huynh và học sinh không nắm bắt được, khó tiếp cận thông tin dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong quá trình tuyển sinh.
Chính vì thế, thầy Đỗ Văn Trường đề xuất, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cùng các trường cao đẳng cần phối hợp để tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin phổ biến tới các bậc phụ huynh và học sinh.
Tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, Tiến sĩ Đoàn Thị Thu Hương cho biết, nhà trường đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc tăng cường công tác truyền thông và tư vấn hướng nghiệp để có thể tiếp cận, thuyết phục học sinh và phụ huynh về những lợi ích, cơ hội của giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, do chương trình đào tạo bậc đại học và bậc cao đẳng do 2 Bộ quản lý (Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nên công tác chỉ đạo xây dựng chương trình khó tránh khỏi việc không đồng nhất.
Cô Hương chia sẻ thêm: “Một số trường đại học áp dụng phương thức xét tuyển liên thông dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điều này có thể gây khó khăn cho sinh viên cao đẳng. Sinh viên muốn đăng ký học liên thông buộc phải ôn lại kiến thức phổ thông, mặc dù đã trải qua 2-3 năm học tập ở các trường cao đẳng.
Ngoài ra, chỉ tiêu đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học thường không được ưu tiên so với tuyển sinh và đào tạo đại học toàn khóa. Điều này tạo ra rào cản cho thí sinh khi cân nhắc việc chọn học cao đẳng trước khi tiếp tục học nâng cao ở bậc học cao hơn”.
Trước những thực trạng này, ban lãnh đạo của Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội cùng đề xuất rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc đưa thông tin của các trường cao đẳng vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung sẽ giúp học sinh dễ dàng tiếp cận thông tin về mã ngành, mã trường và lựa chọn các chương trình đào tạo phù hợp.
Nếu cơ sở dữ liệu của giáo dục phổ thông, đại học và các trường cao đẳng được tích hợp, việc phân luồng tuyển sinh sẽ trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn.
Sinh viên “trượt” đại học mới phải học cao đẳng?
Có ý kiến cho rằng các trường cao đẳng luôn chịu thiệt thòi và chỉ nhận được những sinh viên "trượt" đại học. Nhiều thí sinh có quan niệm rằng theo học cao đẳng là sự thất bại của những người không trúng tuyển đại học. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi thị trường lao động đang rất cần những người làm việc có kỹ năng thực tiễn, các trường cao đẳng không chỉ là giải pháp dự phòng mà còn là con đường đầy triển vọng, mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Đoàn Thị Thu Hương cho biết, thực tế, bậc đại học và cao đẳng là hai con đường giáo dục khác nhau. Việc học cao đẳng không nên bị xem là một lựa chọn “thất bại” mà cần được nhìn nhận là lựa chọn phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng cá nhân.
Các bạn sinh viên lựa chọn cao đẳng thường có những mục tiêu cụ thể và mong muốn sớm tiếp cận với thị trường lao động. Các chương trình đào tạo tại cao đẳng thường chú trọng vào thực hành, kỹ năng nghề nghiệp giúp sinh viên nhanh chóng áp dụng kiến thức vào công việc thực tế. Đây là lợi thế lớn mà bậc học cao đẳng đem lại sau tốt nghiệp cho sinh viên.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trường cho rằng bản chất của bậc cao đẳng chủ yếu là dạy nghề, kỹ năng thực tế còn bậc đại học sẽ đào tạo về tư duy, kiến thức chuyên sâu.
“Các doanh nghiệp thường có những yêu cầu riêng biệt cho từng vị trí công việc. Một số công việc yêu cầu phải tốt nghiệp đại học, trong khi những công việc khác lại chú trọng vào kỹ năng nghề nghiệp và khả năng nắm bắt thực tế.
Nếu phải thay đổi vị trí giữa các ứng viên từ các cấp độ học vấn khác nhau, sẽ rất khó để cả hai nhóm sinh viên cao đẳng và đại học có thể dễ dàng thích nghi vì mỗi vị trí đều có những yêu cầu và tiêu chuẩn khác nhau. Sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, khi trang bị vững kỹ năng nghề nghiệp sẽ có lợi thế trong việc tìm kiếm việc làm và không phải quá lo lắng về cơ hội nghề nghiệp”, thầy Trường nhận định.
Anh Phùng Như Phương, cựu sinh viên ngành Cơ khí chế tạo máy, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội chia sẻ về lý do chọn học cao đẳng thay vì đại học mặc dù đã đỗ vào một số trường đại học tốp dưới.
Như Phương cho biết, học cao đẳng giúp tiết kiệm thời gian hơn với chương trình học chỉ kéo dài từ 2,5-3 năm so với 4-5 năm ở đại học. Sinh viên có thể bắt đầu công việc sớm hơn và được đào tạo thực tế phù hợp với nghề nghiệp mục tiêu. Bên cạnh đó, học phí cũng là một yếu tố quan trọng trong quyết định của Phương.
Hiện tại, Như Phương đang làm ở vị trí kỹ thuật viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn Molex Việt Nam. Với công việc này, Phương có thể áp dụng trực tiếp các kiến thức mà anh được học trên giảng đường.
“Khi theo học tại trường cao đẳng nghề, tôi được thực hành rất kỹ để ứng dụng các kiến thức lý thuyết đã được đào tạo vào thực tế. Nhờ đó, tôi có thể hiểu và tự tin sử dụng kiến thức của mình vào công việc một cách dễ dàng. Ngoài ra, tôi có dự tính sẽ học liên thông lên Đại học Bách Khoa Hà Nội để có thể cải thiện và nâng cao trình độ bản thân.
Theo tôi, việc lựa chọn theo học trường cao đẳng hay đại học rồi chọn ngành nghề nào thì bản thân mỗi người cần cân nhắc sao cho phù hợp với khả năng và điều kiện của chính mình.
Trước khi quyết định chọn ngành nghề mà bản thân muốn theo học thì mỗi thí sinh nên tìm hiểu thật kỹ về công việc của bản thân trong tương lai. Các bạn phải có sự yêu nghề và quyết tâm, tránh tình trạng chán nản, từ bỏ khi chưa hoàn thành việc học”, Như Phương nhận định.
Trong khi đó, Hà Quốc Khánh, cựu sinh viên ngành Cơ điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, từng tham gia nhiều chương trình về tư duy và sáng tạo công nghệ. Dù đã đỗ vào một số trường đại học, Quốc Khánh vẫn quyết định chọn học cao đẳng.
Chia sẻ nguyên nhân của sự lựa chọn này, Quốc Khánh cho hay: “Tôi đỗ ngành Quản trị du lịch và lữ hành nhưng vào đúng năm dịch Covid-19 bùng nổ nên ngành tôi chọn học xảy ra nhiều sự xáo trộn. Nhận thấy tương lai việc làm của bản thân với ngành nghề này không ổn định nên tôi đã quyết định chọn học cao đẳng với ngành nghề có cơ hội rộng mở hơn.
Tôi cũng dự định học tiếp lên cao hơn vừa để củng cố kiến thức vừa nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân. Do đặc thù của chương trình học hệ cao đẳng là đào tạo nghề nghiệp nên tôi có thời gian thực hành rất nhiều. Nhờ đó tôi không bị bỡ ngỡ khi ra trường vì đã có hình dung rõ ràng với ngành nghề mình lựa chọn cũng như công việc trong tương lai”.
Trước ý kiến cho rằng sinh viên “trượt” đại học mới phải học cao đẳng, học kém mới phải đi học nghề, cả Như Phương và Quốc Khánh đều không đồng tình với quan điểm này.
Theo Quốc Khánh, việc học cao đẳng hay đại học không quá quan trọng mà điều quan trọng là ngành nghề lựa chọn có phù hợp với bản thân không, có thể đem lại việc làm ổn định trong tương lai hay không và bạn có yêu thích ngành nghề đó không.
Nhiều sinh viên cao đẳng sau khi tốt nghiệp đã đạt được thành công trong sự nghiệp và một số còn tiếp tục học lên bậc cao hoặc bắt đầu khởi nghiệp với doanh nghiệp của riêng mình. Điều quan trọng là mỗi cá nhân cần xác định con đường học tập và nghề nghiệp phù hợp với bản thân để đạt được mục tiêu và thành công trong tương lai.
Nguồn tin: giaoduc.net.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn